Học Ngoại Ngữ Nhưng Không Giao Tiếp Được

(Theo Thanh Niên Online – Thứ Hai, 27/9/2010)

Học tiếng Anh ở trường phổ thông (PT) xong nhưng khi vào ĐH, nhiều sinh viên (SV) không thể lấy chứng chỉ A sau 2 năm đầu, thậm chí còn phải đến các trung tâm ngoại ngữ học lại từ đầu.

Học 7 năm không thể nghe – nói

Chương trình tiếng Anh ở bậc PT hiện nay khá nặng. Từ lớp 6 đến lớp 12 đều có 16 units (tạm dịch: bài) trong một năm học với những chủ đề độc lập. Nội dung chương trình rõ ràng quá tải so với thời lượng cho phép (3 tiết/tuần), không đủ để giáo viên (GV) chuyển tải 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết đến học sinh (HS).

Bên cạnh đó, HS lại phải học trong một lớp có sĩ số đông nên đuối sức và từ đó mất dần kiến thức căn bản. Việc dạy từ vựng quá nhiều cũng khiến HS khó tiếp thu, dẫn đến tình trạng chỉ viết một cách thụ động và kỹ năng nghe – nói rất hạn chế.

Những nguyên nhân trên dẫn đến một thực trạng là HS thiếu căn bản, học chỉ để đối phó với các kỳ kiểm tra. HS thường phát âm sai nhưng GV cũng không thể có đủ thời gian để sửa với một lớp học sĩ số trung bình khoảng 40 – 50 HS. “Sau 7 năm học tiếng Anh ở trường PT, khả năng giao tiếp của HS rất yếu, dù với những tình huống thông thường. Những GV trực tiếp giảng dạy môn học này ở PT như chúng tôi nhiều lúc cũng lấy làm ái ngại về kết quả này”, cô Vũ Thị Ngọc Minh, GV dạy tiếng Anh lâu năm tại TP.HCM và Khánh Hòa, nhận xét.

Những HS muốn có được kỹ năng nghe – nói thường đổ xô đi học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài. Và chỉ cần kiên trì trong khoảng 2 – 3 năm là có thể khá lưu loát trong giao tiếp.

Thi 11 lần không được chứng chỉ A!

Thực trạng dạy và học tiếng Anh ở trường PT như đã đề cập ở trên dẫn đến một hệ lụy là khi bước chân vào ĐH-CĐ, nhiều SV gặp trở ngại lớn với môn học này. Đó là chưa nói đến một thực tế rất vô lý là dù có 7 năm học tiếng Anh ở trường PT nhưng khi lên ĐH-CĐ, không ít SV vẫn phải xách cặp đến các trung tâm ngoại ngữ để bắt đầu học lại từ những lớp căn bản.

Theo thống kê từ một cơ sở của Trung tâm Anh ngữ Việt – Mỹ tại TP.HCM, hầu hết học viên chương trình tiếng Anh tổng quát là HS-SV. Trình độ của học viên khi kiểm tra đầu vào đều ở mức sơ cấp, thậm chí có khá nhiều người phải vào học từ lớp 1.

Nhiều trường ĐH có quy định SV sau 2 năm phải có chứng chỉ tiếng Anh trình độ A, khi tốt nghiệp phải đạt trình độ B. Theo lãnh đạo của các trường ĐH, yêu cầu này không hề quá sức với SV. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng: “Với thời gian 2 năm để một SV, nhất là SV nông thôn, tự trang bị trình độ A tiếng Anh là việc bình thường và đó không phải là yêu cầu quá khó”. Thế nhưng được biết không ít SV của trường đã bị tạm hoãn việc học vì không đáp ứng được yêu cầu nói trên. Hiện tại, 30% SV khóa 2008 – 2012 đang chạy đôn chạy đáo lấy chứng chỉ A để được học tiếp. Tình trạng này cũng diễn ra thường xuyên ở các khóa trước.

Ban đầu, trung tâm ngoại ngữ trực thuộc trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ 3 tháng/lần. Sau đó, vì SV bị hoãn việc học quá nhiều nên trung tâm tổ chức thi 2 tuần/lần và mở lớp ôn tập cho SV. Có một SV khoa Lịch sử thi chứng chỉ A đến 11 lần mà vẫn không đậu (!). Ngay khoa Báo chí – Truyền thông, khoa có điểm đầu vào cao của trường, nhưng SV bị hoãn học khá nhiều vì không đủ điều kiện tiếng Anh. Riêng khóa 2007 – 2011, trường đã gia hạn thêm 1 năm để SV nộp chứng chỉ ngoại ngữ nhưng vẫn có hơn 10 SV bị tạm ngừng học một học kỳ.

Để dạy và học tốt tiếng Anh

* Giảm thiểu đơn vị bài học: Chẳng hạn như sách giáo khoa lớp 12 gồm 16 units (bài), thực tế GV dạy được 14 bài một cách vội vàng. Đề nghị rút lại chỉ còn từ 10 đến 12 bài để HS có thời gian luyện tập nội dung của các bài học.

* Tăng cường giờ học với GV bản xứ: HS sẽ dạn dĩ hơn khi được tiếp xúc với GV bản xứ; các em tự tin hơn, bắt chước âm điệu ngữ điệu nhanh hơn. Và quan trọng là hiểu văn hóa của họ sâu hơn.

* Học sách tiếng Anh do người Anh (Mỹ) biên soạn để có được văn phong của người Anh (Mỹ) và tiếng Anh của đời thường. Hầu hết các nước không nói tiếng Anh đều sử dụng sách của người Anh hoặc Mỹ để dạy ở các trường học của họ. Tại sao chúng ta lại không áp dụng điều này cho có hiệu quả, mà phải tạo ra một bộ phận người Việt soạn tiếng Anh cho người Việt học?

Vũ Thị Ngọc Minh (GV chuyên Anh)

Không chỉ SV năm 2 mà các SV năm 4 cũng lận đận không được tốt nghiệp vì chưa có chứng chỉ B Anh văn theo quy định. Trần Thị Kim Sa, SV khóa 2006 – 2010, đã có chứng chỉ B của một trung tâm khác nhưng khi bị buộc thi lại tại trung tâm ngoại ngữ của trường thì thi đến 5 lần mà vẫn không đậu.

Nhiều SV khối xã hội rất sợ (rớt) tiếng Anh. Trịnh Thị Mỹ Dung, SV khoa Báo chí – Truyền thông khóa 2005 – 2009, chia sẻ: “SV thường lấn cấn ở phần nghe vì học tiếng Anh ở trường không chú trọng đến kỹ năng này mà chỉ tập trung vào ngữ pháp, dịch văn chương. Khi thi lấy chứng chỉ, hầu như các bạn đều rớt phần nghe. Muốn đạt điểm phần này bắt buộc phải luyện tập thường xuyên”.

Ý kiến

* “Thực tế ở các trường PT hiện nay, do áp lực thi cử nên việc dạy và học ngoại ngữ lại chỉ gói ghém trong hai hoạt động: thầy chỉ dạy đủ cho HS đi thi, HS học chỉ đủ để đi thi. Việc rèn luyện các kỹ năng khác hầu như bị bỏ qua. GV đọc chưa chuẩn, không có đủ thiết bị nghe nhìn để giúp HS nghe – đọc chuẩn”. (Ông Tạ Quang Sum – Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, Cam Ranh, Khánh Hòa)

* “Con tôi học lớp 9 ở TP.HCM, học tiếng Anh mà rất ít khi nghe – đọc tiếng Anh. Khi tôi hỏi sao không đọc hay nghe gì cả, con tôi trả lời khi học trong lớp cô giáo đâu có cho đọc, chỉ toàn viết ra giấy, kiểm tra cũng chỉ viết mà thôi. Học tiếng nước ngoài (trình độ PT) cần nhất là giao tiếp được bằng lời nói, khi nào trình độ cao mới cần viết nhiều. Mong Bộ GD-ĐT xem xét lại chương trình và cách dạy tiếng Anh hiện tại”. (lethemin@msn.com )

* “Con tôi học ban D lớp 11, cả năm chỉ học “chay” môn tiếng Anh. Không có một tiết nghe máy, không nói, không giao lưu. Tôi đã từng hy vọng và chờ đợi sự thay đổi”. (carotcam0123@yahoo.com )

Ngọc Hân – Tuyết Vân – Đăng Nguyên


Học Ngoại Ngữ Nhưng Không Giao Tiếp Được

Bình Luận