Thương Hiệu Cá Nhân – Tại Sao Không ?

Có bao giờ bạn tự hỏi – nếu phải làm một chương trình marketing cho chính mình, bạn sẽ giới thiệu điểm gì?

Ở công ty tôi có một anh chàng với nickname là “Can-Do” (làm được). Can-Do là một anh chàng trong bộ phận phát triển sản phẩm, lúc nào cũng có suy nghĩ tích cực. Mỗi khi đối mặt với một khó khăn, điều đầu tiên anh chàng sẽ nghĩ đến là “làm thế nào để giải quyết vấn đề này”, chứ không phải là “ai gây ra sự lộn xộn này?” Giải pháp của Can-Do không phải lúc nào cũng tối ưu, nhưng tôi hài lòng về thái độ tích cực của anh chàng. Rõ ràng, nếu ai đó hỏi tôi “Can-Do là người như thế nào?” tôi chẳng ngần ngại trả lời “anh chàng đó lúc nào cũng ‘can-do’.”

Còn bạn thì sao? Thương hiệu cá nhân của bạn là gì? Và làm thế nào để xây dựng thương hiệu cá nhân?

1.    Điểm khác biệt
Giá trị bạn đem đến cho người khác là gì? Những gì bạn đang làm mà người khác không làm được? Điều gì làm bạn thấy tự hào về bản thân? Đó chính là những yếu tố tạo nên sự khác biệt. Đừng nghĩ rằng chỉ khi có một chức danh lớn, một vị trí cao thì bạn mới đem lại giá trị cho người khác.

Một bạn trong nhóm của tôi phụ trách công việc kiểm tra các hợp đồng hợp tác và thanh toán cho đối tác và nhà cung cấp. Tôi gọi bạn là “Tỉ-Mỉ”. Tôi ấn tượng với cách Tỉ-Mỉ kiểm tra tỉ mỉ từng điều khoản của hợp đồng, nêu ra những điểm chưa thỏa đáng và đề nghị thêm vào những điều khoản phù hợp để làm cho hợp đồng chặt chẽ hơn. Tỉ-Mỉ làm tốt công việc những người khác không làm được. Đó chính là cách Tỉ-Mỉ tạo nên sự khác biệt. Và Tỉ-Mỉ tự hào về giá trị của chính mình.

2.    Thông điệp thương hiệu
Với những điểm khác biệt, bạn muốn người khác nhắc đến mình như thế nào? Đi đầu với những ý tưởng mới? Khả năng diễn thuyết và truyền cảm hứng? Khả năng lãnh đạo và có tầm ảnh hưởng rộng? Hãy viết ra những từ mà bạn muốn người khác nhớ đến mình, sau đó đưa ra một câu hoàn chỉnh – đó chính là thông điệp về thương hiệu của bạn.

Một ví dụ cho thông điệp thương hiệu cá nhân – “Tôi luôn tìm kiếm những cách thức để phát triển sản phẩm hiệu quả nhất. Những sản phẩm của tôi luôn đơn giản và dễ sử dụng, giúp mọi người tiết kiệm thời gian tối đa nhưng vẫn đạt hiệu quả tối ưu.”

3.    Xây dựng niềm tin
Để người khác tin bạn, tin vào thông điệp thương hiệu của bạn, trước hết bạn phải trung thực với chính mình, hiểu rõ năng lực và phẩm chất của mình.

Hành động của bạn (cho dù nhỏ nhất) phải luôn nhất quán với thông điệp. Chẳng hạn bạn muốn được nhớ đến như là một diễn giả có duyên và hài hước, những câu chuyện của bạn phải làm khán giả cười thoải mái. Cách bạn trò chuyện, ứng xử, trả lời điện thoại, hay email cũng phải mang đến cảm giác “duyên và hài hước”.

4.    Phong cách riêng
Trong quản lý thương hiệu, hình thức sản phẩm là một trong những yếu tố để chúng ta nhận diện một thương hiệu. Vậy thì, để người khác nhận diện được thương hiệu của mình, bạn phải có phong cách riêng, làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương-hiệu-bạn.

Để tạo được phong cách riêng, bạn phải nghiêm khắc với chính mình, vì sẽ có những lúc bạn cảm thấy sự gò bó khi phải đi theo khuôn khổ do chính mình đặt ra. Phong cách riêng của bạn thể hiện qua trang phục, cách nói năng, cách giải quyết vấn đề, hay thậm chí là cách giao tiếp qua điện thoại, email hay cách bạn xuất hiện trước mọi người.

Ngoài ra, bạn cũng phải để ý cách mình thể hiện trên những trang mạng xã hội như Facebook, Twitter hay trên blog cá nhân. Hãy quan sát những người nổi tiếng như Brian Tracy hay John C. Maxwell làm gì trên Facebook, bạn sẽ thấy phong cách riêng của họ. Mục đích cuối cùng là tạo thiện cảm và ấn tượng với những người xung quanh, làm cho họ phải nhớ đến giá trị của bạn.

5.    Giới thiệu thương hiệu
Bạn có giá trị của riêng mình, nhưng bạn không biết cách lan tỏa giá trị của mình, thì mức độ nhận biết thương hiệu bạn sẽ thấp. Một thương hiệu ít người biết đến thì giá trị thương hiệu sẽ thấp. Hãy nhớ rằng, giá trị thương hiệu của bạn càng cao, con đường sự nghiệp của bạn càng thuận lợi.

Vậy phải làm thế nào để giới thiệu thương-hiệu-bạn đến nhiều người?
–    Chủ động mở rộng phạm vi công việc của chính mình
–    Chủ động đưa ra những ý kiến hay kế hoạch đem lại những lợi ích cho công ty
–    Tăng giá trị bản thân bằng cách đem đến giá trị cho những người xung quanh
–    Tích cực tham gia những hoạt động hướng đến cộng đồng mà bạn đang nhắm đến
–    Xây dựng một kênh truyền thông riêng cho mình như Facebook, Twitter hay blog và dùng nó để lan tỏa giá trị bạn có thể đóng góp cho cộng đồng

Và một điều mà tất cả những ai từng nghiên cứu về thương hiệu cá nhân đều khẳng định: đó là thương hiệu cá nhân góp phần rất quan trọng cho thành công trong sự nghiệp của bạn. Và chỉ những ai biết chấp nhận thử thách, dám biến công việc của mình trở nên đặc biệt sẽ là những người xây dựng thương hiệu cá nhân thành công.

Nguồn: www.vietnamworks.com

 


Thương Hiệu Cá Nhân – Tại Sao Không ?

Bình Luận