Bác Hồ, tấm gương tự học ngoại ngữ của giới trẻ

(Blog Việt) – Xin hỏi, học ngoại ngữ có khó không? Và ngoại ngữ nào khó học nhất trên thế giới?Trả lời: Người nước ngoài khi học tiếng Vệt đã có câu "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam".

Nói vậy để thấy rằng tiếng Việt mình không dễ học chút nào. Để có thể sử dụng đúng ngữ pháp ở các cấp độ ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, cú pháp…) thật không phải chuyện đơn giản. Đó là chưa kể tới chuyện phát âm – với sự đa thanh, đa điệu của tiếng Việt, ngay người Việt cũng khó có thể phát âm chuẩn với 6 thanh: huyền, sắc, ngã, nặng, hỏi, không. Nói vậy để thấy rằng những người nước ngoài học tiếng Việt phải vất vả với từng con chữ tiếng Việt như thế nào… Vậy mà họ vẫn nói được tiếng Việt, thậm chí còn giỏi ngữ pháp hơn cả người Việt.

Nói người rồi ngẫm đến ta, khả năng ngoại ngữ của thanh niên và sinh viên Việt Nam được đánh giá vào loại thấp trong khu vực. Nhiều bạn trẻ ở ta hay than phiền về khả năng ngoại ngữ của mình. Tuy họ ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ và cố gắng để học ngoại ngữ nhưng chưa tìm được chìa khóa của thành công. Cuối cùng, họ đổ cho nguyên nhân là ngoại ngữ khó học.

Xin thưa, dù tôi chưa thật sự giỏi ngoại ngữ nhưng tôi có thể khẳng định rằng tiếng Anh không khó học. Còn các ngôn ngữ khác, tôi không có ý kiến vì mình chưa từng học qua. Xin đưa ra một tấm gương để bạn và tôi cùng học tập, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta. Ngoại ngữ khó, sao Người có thể nói được nhiều thứ tiếng vậy? Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7, Bác đã ghi: "Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga". Bạn có biết trên thực tế, dựa vào những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam, chúng ta còn được biết vốn ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại ở đó, Người còn có thể sử dụng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác nữa như: Tiếng Xiêm (Thái Lan bây giờ), tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của rất nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam… vốn ngoại ngữ đó của Bác không phải do "thiên bẩm" mà có, tất cả đều xuất phát từ sự khổ công luyện tập.

Chỉ khi nào thực sự sống trong gian khổ, trải qua bao khó khăn chúng ta mới thực sự ý thức về nó.Ngày 5/6/1911, Người ra đi tại bến cảng nhà Rồng. Sang Pháp, hoàn cảnh bắt buộc Người phải nhanh chóng học tiếng Pháp, có vậy mới có thể hoàn thành ý nguyện, tìm ra con đường cứu nước, cứu dân tộc.

Còn chúng ta ngày nay, đất nước hội nhập, nếu không có ngoại ngữ, chúng ta sẽ hội nhập với ai? Và thế hệ thanh niên ngày nay sẽ làm gì để giúp nước nếu không thể giao tiếp với người nước ngoài.

Người đã phải làm thêm để kiếm sống, chắt chiu từng đồng xu để mua sách vở phục vụ cho học tập. Còn chúng ta, có quá nhiều điều kiện để học: phương tiện, tiền bạc, sách vở, cơ hội…

Hãy xem Bác học tiếng Pháp như thế nào: Ngay khi còn trên chuyến tàu sang Pháp, mỗi lúc rảnh rỗi, Bác đều tìm đến hai người lính trẻ được giải ngũ đi cùng chuyến tàu để học đọc và viết tiếng Pháp.Họ cho Bác mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp. Muốn biết cái gì, muốn biết đồ vật nào đó bằng tiếng Pháp, Bác đều chỉ tay hỏi người Pháp, rồi Bác viết vào một mẩu giấy, dán vào chỗ hay để ý nhất để tranh thủ vừa làm, vừa học. Có khi Bác viết hẳn vào cánh tay. Tối tối sau khi đi làm về, Bác rửa tay, rồi lại ghi những từ mới vào. Học được chữ nào, Bác ghép chúng lại thành câu thực hành ngay.

Ban đầu, Bác tập ghép một vài từ, sau ghép thành đoạn, dần dần Người tập viết thành bài dài. Một thời gian sau, Bác tìm đến các tờ báo của Pháp để xin được viết bài đăng báo. Sau mỗi bài báo viết bằng tiếng Pháp, Bác đều chép thành hai bản, một bản lưu giữ lại, còn bản kia gửi cho Toà soạn".

Có khác chăng là tinh thần cầu tiến, sự chủ động của Bác trong việc học ngôn ngữ. Kèm theo đó là ý chí, sự quyết tâm vì một mục tiêu cao cả là biết ngoại ngữ để học tập, để cứu tổ quốc, đồng bào. Vậy, lý tưởng của thanh niên bây giờ là gì? Đó chẳng phải là phụng sự tổ quốc, nhân dân sao? Nhiều bạn trẻ học ngoại ngữ trong sự bị động, túng thế. Chỉ khi nào thực sự yêu, song hành cùng lòng quyết tâm cao độ, thì khi đó bạn mới có thể học thành thạo một ngoại ngữ.

Thầy dạy tiếng Anh cho Người chính là Người. Phương tiện duy nhất của Người là quyển vở và cây bút chì. Người học ở mọi nơi, mọi lúc có thể. Năm 1923, Bác rời Pháp sang Nga. Hai ngày sau đó, Bác đã chào hỏi những câu thông thường bằng tiếng Nga. Liền sau đó, Người lao vào học tiếng Nga ngay lập tức. Người vừa làm, vừa học. Tranh thủ mọi cơ hội để học, Người đã tiến bộ không ngừng, và như chúng ta đã biết, Người có thể nói được rất nhiều thứ tiếng chính là vì vậy. Tự học với một tinh thần cầu tiến, cộng với sự khắc khổ và phương pháp đúng, Người đã thành công!

Đất nước hội nhập, thuyền đã ra biển lớn, thanh niên là chủ nước nhà, là tương lai của đất nước. Hãy xốc lên niềm tự hào Việt trong việc thiết thực nhất với mỗi người đó là học ngoại ngữ. Bằng việc làm đầu tiên ấy, bạn có thể góp phần mang nước Việt đi xa hơn, đến với mọi miền đất trên thế giới.

Nguồn từ http://www1.vietnamnet.vn/blogviet


Bác Hồ, tấm gương tự học ngoại ngữ của giới trẻ

Bình Luận