CẢI THIỆN KỸ NĂNG NGHE (LISTENING) TRONG TOEIC

VÌ SAO KHÔNG NGHE TOEIC ĐƯỢC?

Đây là điều rất nhiều học viên muốn biết. Theo kinh nghiệm của tôi, có 4 lý do khiến chúng ta không nghe tốt được.

1. Thiếu từ vựng

Khi đọc hiểu, nếu thiếu từ vựng bạn sẽ không thể hiểu bài nghe được. Tương tự như vậy, nếu không có từ vựng, bạn không thể nghe hiểu được một bài đối thoại hay một bài nói.

[Cách giải quyết]

Bạn hãy làm riêng cho mình một tập từ vựng, trong đó ghi hết những từ vựng bạn gặp khi luyện thi TOEIC. Bạn nên nhớ rằng từ vựng hầu như không có giới hạn, do đó bạn nên thu thập càng nhiều càng tốt. Thường xuyên xem lại tập từ vựng này sẽ giúp bạn ghi nhớ chúng một cách dễ dàng.

2. Yếu về phát âm

Về nguyên tắc, nếu bạn phát âm tốt, bạn sẽ có khả năng nghe tốt hơn. Rất nhiều người có thể nhận ra mặt chữ một cách dễ dàng, nhưng khi nghe đọc từ đó thì lại không nhận ra. Đó là do người đó hạn chế về phát âm. Vì thế bạn cần tra từ điển những từ mình cảm thấy không thật chắc về phát âm. Cũng như khi học một từ mới, bạn nên chú trọng vào cả ý nghĩa và cách phát âm của từ đó.

BẢNG PHIÊN ÂM QUỐC TẾ 44 IPA

Tuy nắm vững cách phát âm của từng từ là rất cần thiết nhưng vẫn chưa đủ để nghe tốt: bạn còn phải làm quen với hiện tượng luyến âm, biến âm, đồng hóa, giản lược của người bản xứ nữa.

[Cách giải quyết]

Bạn cần luyện tập đọc thật to với tốc độ nhanh dần giống như tốc độ của người bản xứ. Ngoài ra, bạn có thể luyện tập đọc theo tapescript: vừa nghe, vừa đọc theo.

Với cách này, dần dần bạn sẽ quen với cách phát âm, cách luyến âm, biến âm, đồng hóa, giản lược của người bản xứ.

Phương Pháp Luyện Tập Cách Phát Âm Chuẩn:

a) Điều cơ bản nhất là bạn cần đọc chính xác 44 âm cơ bản trong bảng phiên âm quốc tế (International Phonetic Alphabet).

b) Bạn cần làm quen với các thay đổi về vị trí của lưỡi, hình dạng của môi khi phát âm tiếng Anh. Khi vị trí của lưỡi và hình dạng của môi thay đổi, âm thanh phát ra cũng thay đổi. Do đó bạn không thể phát âm chuẩn nếu không để đúng vị trí của lưỡi và điều chỉnh đúng hình dạng của môi.

Ví dụ: Khi đọc từ seat /si:t/, bạn cần kéo dài và trẹt môi thì mới có phát âm chính xác.

c) Bạn cần đọc đúng trọng âm (stress)

3. Yếu khả năng đọc hiểu và nắm bắt cấu trúc cơ bản

Đọc hiểu là nền tảng của nghe hiểu. Nếu bạn không đọc hiểu tốt, bạn cũng sẽ không nghe hiểu tốt nhất là ở phần 3 và 4 với những câu dài và có ý nghĩa phức tạp. Điều cốt lõi trong đọc hiểu chính là nắm bắt nhanh cấu trúc câu.

[Cách giải quyết]

Bạn cần trau dồi khả năng nắm bắt nhanh cấu trúc câu, trước hết ở những bài đọc hiểu và sau đó là ở bài nghe.

4. Không theo kịp tốc độ của người nói

Nếu bạn thiếu một trong ba điều kiện trên thì bạn sẽ không theo kịp tốc độ của người nói.

Ngoài ba nguyên nhân trên, nếu bạn cố gắng dịch nghĩa từng chữ sang tiếng Việt khi nghe thì bạn cũng không theo kịp tốc độ của người nói.
[Cách giải quyết]

Bạn nên cố gắng tập trung theo sát từng lời của người nói. Dĩ nhiên là bạn vừa nghe vừa hiểu, nhưng nếu có một chỗ nào đó bạn không hiểu, bạn không nên dừng lại để suy nghĩ mà cứ tiếp tục nghe. Mạch văn rất quan trọng, do đó nếu nghe tiếp và theo kịp mạch văn thì bạn sẽ có khả năng đoán được phần mà bạn vừa không hiểu đó. Khi nghe lại lần hai, bạn sẽ chú ý hơn vào phần mà mình không theo kịp đó. Với cách này, dần dần bạn sẽ hiểu rất tốt chỉ sau một, hai lần nghe.


CẢI THIỆN KỸ NĂNG NGHE (LISTENING) TRONG TOEIC

Bình Luận