Nghị Lực Phi Thường Của Cô Học Trò Nghèo Giỏi Anh Văn

(Theo Dân trí – 07/07/2010) – Không có nhiều điều kiện, vậy mà lên lớp 5 cô học trò Lê Thị Lệ Thủy đã tự học hết chương trình tiếng Anh lớp 9, giành thủ khoa trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Hà Tĩnh môn Anh văn 12 và đạt loại giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.


Tuổi thơ gian nan

Trong cái nắng gay gắt của miền Trung, gió Lào khô khốc thổi nóng ran cả mặt, chúng tôi tìm đến nhà cô học trò Lê Thị Lệ Thủy ở xóm 2, Hương Xuân, Hương Khê, Hà Tĩnh. Căn nhà tranh xiêu vẹo, thấp lè tè của bố mẹ Thủy nằm khuất sau lũy tre ở cuối làng.

Thủy sinh trong một gia đình thuần nông. Bố em là ông Lê Hữu Thái (52 tuổi) bị tê liệt một chân từ khi lên 3 tuổi bởi căn bệnh thủy đậu, đi lại khó khăn. Thêm vào đó căn bệnh viêm gan và bệnh thận luôn hành hạ. “Ông nhà tôi ngày càng đau yếu dần, gia sản của cả nhà đã vớt vát hết chạy chữa khắp nơi nhưng có thấm vào đâu” – bà Huấn, mẹ Thủy tâm sự.

hinh

Vừa học bài, Thủy vừa giúp mẹ chăm sóc bố.

Kinh tế của cả nhà chỉ biết bấu víu vào 11 thước ruộng cằn cỗi. Thương con, thương chồng, bà Huấn bươn chải khắp nơi để kiếm tiền. Từ 11 năm nay chị mưu sinh bằng nghề vót đũa. “Không có vốn đâu, vật liệu phải mua chịu hết. Bà con làng trên, xã dưới thấu hiểu cho hoàn cảnh đã thương tình sẵn sàng bán lợi cho. Thu nhập cũng chẳng ăn thua gì, mỗi tháng cả gia đình lao động cật lực chỉ thu về được 400 ngàn đồng tiền lãi. Chừng ấy phải trang trải cho cuộc sống của gia đình có 6 người thật là một bài toán. Chưa kể tiền lo thuốc thang cho chồng và việc học hành cho 4 con. Thắt lưng buộc bụng, chi tiêu tiết kiệm hết mức mà vẫn không đủ phải vay mượn khắp nơi các chú ạ!” – bà Huấn cho hay.

Đang nằm liệt trên chiếc ghế tựa, ông Thái tự hào nói về các con của mình: “Được cái 4 cháu đều ngoan, cật lực lao động giúp gia đình. Ngày nào chị em Thủy đi học về ăn trưa xong là lao vào giúp bố mẹ vót đũa cho đến 19h tối mới được nghĩ, sau đó mới là giờ đèn sách của các cháu. Thế mà đứa nào cũng học giỏi”.

hinh1

Hằng ngày, sau giờ học ở trường, Thủy và các em cần mẫn giúp mẹ vót đũa đến tối.

Có mang được 7 tháng, bà Huấn sinh Thủy. Cất tiếng khóc chào đời thiếu tháng, ăn uống không được đầy đủ, Thủy lớn lên thấp bé, hao gầy. “Đi học về đói quá không có chi ăn chạy sang hỏi nội. Bà tôi đưa rổ khoai ra, Thuỷ và các em ăn ngon lành trừ bữa lấy sức để giúp mẹ vót đũa” – ông nội Lê Hữu Phồn nói.

Vượt lên hoàn cảnh

Thương bố mẹ, Thủy ra sức nỗ lực học tập. Năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, Thủy có năng khiếu học môn Anh văn. “Đối với em tiếng Anh là một niềm đam mê lớn. Thần tượng của em là người chị họ Lê Thị Thái Hà đã từng đậu thủ khoa Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Những ngày chị ôn thi, em thường sang chơi và mượn sách tiếng Anh của chị. Về đọc thấy hay, em bèn bảo với bố gom góp được 4.100 đồng mua quyển sách tự học tiếng Anh về học. Em cứ mượn sách của chị về đọc thêm như thế, đến lớp 3 em đã tự học hết chương trình tiếng Anh lớp 6 và lên lớp 5 tự học hết chương trình tiếng Anh lớp 9” – Thủy bộc bạch về còn đường đến với tiếng Anh của mình.

hinh2

Thủy luôn tranh thủ thời gian cần mẫn bên góc học tập đơn sơ.

Thủy cho biết thêm: “Hồi ấy, nhà em nuôi ngỗng, trước khi em đi chăn ngỗng, nhờ chị họ ra cho em 8 bài tập tiếng Anh và một số bài toán. Lúc nào em giải xong mới được đưa ngỗng về. Học ở cấp 2 năm nào em cũng đậu học sinh giỏi cấp huyện môn Anh và sang năm lớp 9 vinh dự đạt đạt giải khuyến khích cấp tỉnh”.

Trong kì thi chuyển cấp lên lớp 10, Thủy đã thi đậu vào lớp chuyên Anh trường chuyên tỉnh. Thầy cô ai cũng quý cô học trò nhỏ nhắn mà thông minh. “Học được nửa kỳ ở trường chuyên thì bố bị tai nạn giao thông, cái chân lành lặn còn lại bị gãy đôi. Phải chạy chữa cho bố, kinh tế gia đình thêm khó khăn không thể đủ trang trải cho em tiếp tục học ở trường chuyên. Thương bố, em đành phải chuyển về học tại tại Trường THPT Hương Khê” – Thủy tâm sự, những giọt nước mắt của người con hiếu thảo cứ lăn dài trên trên hai gò má xanh xao.

Những năm tháng học dưới mái trường miền sơn cước, Thủy đạt thành tích học tập khiến nhiều bạn bè nể phục: năm lớp 10, Thủy đạt giải nhì HSG cấp tỉnh, năm 11 đạt giải khuyến khích HSG cấp tỉnh và năm 12 đỗ thủ khoa kỳ thi HSG cấp tỉnh với số điểm 16/20.

Ngoài môn Anh văn, Thủy còn học giỏi toàn diện, từng đạt giải nhất cuộc thi Rạng rỡ Hồng Lam cấp tỉnh. Ngoài ra, Thủy còn dạy kèm các em nhỏ trong xóm để kiếm thêm tiền giúp bố mẹ.

“Con bé nhỏ nhắn thế mà thông minh. Gửi con học với Thủy là chúng tôi yên tâm lắm, cháu nào cũng đạt kết quả tốt trong học tập. Thủy là con của làng này đấy!” – một phụ huynh cho biết.

hinh3

Trong những năm học qua, chị em Thủy được tặng rất nhiều giấy khen.

“Trong các giờ học, Thủy đàm thoại bằng tiếng Anh với thầy một cách lưu loát, nhiệt tình giảng giải giúp các bạn hiểu cấu trúc, nghĩa của từ mới và các bài tập khó. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời đi dạy tôi mới gặp một học trò nghèo mà lại có khả năng học tiếng Anh tốt đến như vậy. Thủy là niềm tự hào của trường!” – thầy Hồ Thanh Hải,  giáo viên Anh văn của Thủy cho biết.

Được biết, điều kiện học Anh văn của Thủy không được tốt như các bạn. Quỹ thời gian ít, tài liệu thiếu thốn, đến lớp 10 khi học ở trường chuyên Thủy mới được bố mua cho quyển từ điển tiếng Anh, còn lại Thủy phải mượn sách của thầy cô, bạn bè. Nhà Thủy không đủ điều kiện, Thuỷ đành mượn một chiếc đài phát thanh, thỉnh thoảng mở kênh tiếng Anh ra để nghe và tập dịch, phát âm.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, Thủy đạt loại giỏi với 54 điểm. Vừa rồi, Thủy một mình khăn gói vào Sài Gòn thi vào khoa Kinh tế luật – Trường ĐH Quốc gia TPHCM. Đậu đại học rồi ra trường kiếm nghề để giúp bố mẹ nuôi ba em là giấc mơ mà Thủy ấp ủ từ lâu.Nhưng 4 năm trên giảng đường ĐH sẽ là một chặng đường đầy gian khó cho cô học trò nghèo đầy nghị lực này.

"Cô học trò nghèo giỏi Anh văn" lo không có tiền học ĐH

(Theo Dân trí – 17/08/2010) – “Từ ngày biết mình đậu đại học, em và gia đình vui lắm, nhưng cứ nghĩ đến kiếm tiền đâu để đủ ăn học suốt 4 năm trời lại khiến cả nhà phấp phỏng lo âu…" – đó là nỗi trăn trở của cô tân sinh viên nghèo Lê Thị Lệ Thủy.
 
Được tin cô học trò nghèo Lê Thị Lệ Thủy xuất sắc thi đậu vào khoa Kinh tế – Luật Trường ĐHQG TPHCM với 23 điểm, chúng tôi lại ngược huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh tìm đến nhà ông Lê Hữu Thái ở xóm 2 Phú Hương, xã Hương Xuân giữa cơn mưa tầm tả. Trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo, dột nát của ông Thái, mọi người đang tụ tập đông đúc.  

"Mấy bữa ni khi biết tin cháu Thủy đậu đại học nên anh em, bà con lối xóm sang giúp gia đình tui vót đũa hy vọng bán được giá để có tiền cho nó đi học" – ông Thái cho biết.

hinh4

Thủy đang vót đũa phụ giúp cha mẹ kiếm tiền đi học đại học.

Ông Thái vui buồn lẫn lộn: “Mấy đêm ni hầu như cả nhà tui làm đến gần sáng. Tui bị bệnh tật, khó đi lại nhưng phải gắng sức vì con. Đôi lúc buồn ngủ díu mắt, muốn lên giường ngủ một tí nhưng nghĩ đến tiền mô mà cho con đi nhập học. Vậy là không tài mô mà đi ngủ được, uống vài ly nước chè nấu đặc cho tỉnh táo là làm đến sáng luôn”.

“Cau ni mua nợ bà con đó. Bây giờ cau đắt nên mỗi tạ cau tươi cũng mua hết hơn 300 ngàn, về phải phơi cả tháng trời mới vót được đũa. Làm việc cật lực mong sao góp được ngày ít chục ngàn mong sao có chút tiền cho cháu Thủy được đi học” – bà Huấn nhìn con gái ứa nước mắt.

Ông bà nội của Thủy năm nay đã ngoài tuổi 80, đau ốm liên miên nhưng cũng cố gắng giúp vợ chồng anh Thái và các cháu một tay. “Biết cháu đậu đại học nhưng ông bà cũng không có tiền cho cháu đi học. Sang đây giúp chúng nó được cái gì hay cái đó mong sao cháu Thủy thực hiện được ước mơ vào giảng đường đại học” – bà Lê Thị Trọng, 82 tuổi, tâm sự.

hinh 7

Bà Lê Thị Trọng – bà nội Thủy nay đã già yếu nhưng vẫn giúp con cháu một tay.

Riêng Thủy, từ khi biết tin đậu đại học, em vừa vui lại vừa buồn. “Vui lắm vì em đã ráng hết sức thi đậu cho cha mẹ mừng. Nhưng vừa rồi để có tiền đi thi trong Sài Gòn cả nhà đã phải tích góp nhiều tháng và vay mượn nhiều nơi. Bây giờ cứ nghĩ đến kiếm tiền đâu để đủ ăn học suốt 4 năm trời lại khiến cả nhà lo âu”  – Thủy nhỏ nhẹ nói, giọng buồn rầu.

Thủy cho biết thêm: “Có lẽ nào con đường học tập của em chỉ dừng tại đây. Không, dù thế nào em cũng phải cố gắng. Em sẽ làm thêm kiếm tiền để học”.

Rời gia đình Thủy ra về mà chúng tôi cũng thấy chạnh lòng. Không biết mọi nỗ lực của gia đình em có tích góp nổi số tiền cho em vào Sài Gòn nhập học không? Liệu vóc dáng nhỏ yếu của cô học trò vốn sinh ra thiếu tháng có đủ sức vừa bươn chải làm thêm vừa phấn đấu học giỏi để nuôi giấc mơ thoát nghèo?

Bài và ảnh: Bá Hải  – Văn Dũng – Đặng Tài

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1.Ông Lê Hữu Thái – xóm 2 (Phú Hương) – Hương Xuân – Hương Khê – Hà Tĩnh

2. Quỹ Nhân ái – Báo Khuyến học và Dân trí – Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản USD: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 202 0000 004346 SWIFT Code: ICBVVNVX106 Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.03.733.269

 

 


Nghị Lực Phi Thường Của Cô Học Trò Nghèo Giỏi Anh Văn

Bình Luận